Việt Nam điều chế thành công thuốc tiền lâm sàng trị COVID-19

Thuốc điều chế từ các nguyên liệu có nguồn gốc thảo dược, giúp ức chế khả năng nhân lên của virus SARS-CoV-2 trong tế bào, được bộ Y tế phê duyệt thử nghiệm trên người bệnh.

Theo thông tin trên VnExpress, sáng 10/8, viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam công bố chế phẩm có tên Vipdervir, dùng để phòng và điều trị các bệnh do virus ARN (axit ribonucleic) gây ra, đặc biệt là nCoV. Công trình do PGS.TS Lê Quang Huấn, nghiên cứu viên cao cấp của viện Công nghệ Sinh học chủ trì thực hiện đã hoàn thành giai đoạn nghiên cứu tiền lâm sàng. Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia, bộ Y tế đã phê duyệt đề cương cho thử lâm sàng để đánh giá tác dụng trong điều trị bệnh COVID-19.

"Vipdervir được tạo ra hoàn toàn từ thảo dược, chứa các hoạt chất có khả năng phong tỏa các phân tử đích liên quan tới quá trình xâm nhập và nhân lên của nCoV, đồng thời chứa hoạt chất có tác dụng kích hoạt các tế bào của hệ miễn dịch giúp tăng cường sức đề kháng của người bệnh", PGS Huấn nói.

thuoc-dieu-tri-covid-19-162857-7744-2380-1628570338-1628578455.jpg
Sản phẩm thử nghiệm tiền lâm sàng. Ảnh: Nhóm nghiên cứu.

Hiện sản phẩm Vipdervir được điều chế dạng viên nang cứng. "Việt Nam có nhiều loại thuốc nghiên cứu từ thảo dược nhưng đây là loại đầu tiên được nghiên cứu tiền lâm sàng đầy đủ, được hội đồng y đức của bộ Y tế thông qua kết quả, cho phép thử nghiệm lâm sàng điều trị Covid-19", PGS.TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện trưởng viện Công nghệ sinh học nói trong buổi công bố.

TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng cục Khoa học công nghệ đào tạo, bộ Y tế đánh giá cao kết quả sản phẩm ở bước tiền lâm sàng, sau đó sẽ được đánh giá trên lâm sàng. "Bộ Y tế hy vọng từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành nghiên cứu lâm sàng. Để thử nghiệm trên người sẽ mất khoảng 2-3 tháng, sau đó đánh giá giữa kỳ tổng hợp kết quả thử nghiệm", TS Quang nói.

Do thuốc có nguồn gốc từ thảo dược nên Hội đồng chấp nhận triển khai ngay trên giai đoạn 2 (thử nghiệm trên 60 người đang nhiễm bệnh COVID-19 thể nhẹ để đo tính an toàn và khả năng giảm tải lượng virus, từ đó lựa chọn liều dùng). Sau khi có kết quả này sẽ chuyển sang giai đoạn 3 (thử nghiệm trên 200 bệnh nhân), đánh giá so sánh giữa các bệnh nhân sử dụng phác đồ nền với nhóm phác đồ nền kết hợp với sản phẩm nghiên cứu. Kết thúc các giai đoạn này, bộ Y tế đánh giá và cấp phép sử dụng trong phác đồ điều trị. "Dự kiến cuối năm 2021 có thể cấp phép lưu hành thuốc khi có các kết quả thử nghiệm đạt yêu cầu", ông Quang nói. Hiện số bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và thể vừa rất nhiều nên dễ dàng tuyển đối tượng tham gia thử nghiệm.

Báo Tiền Phong dẫn thông tin từ PGS.TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đây là thuốc điều trị COVID-19 từ dược liệu Việt Nam đầu tiên được cấp phép thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Vipdervir cần tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng để có thể đánh giá hiệu quả điều trị COVID-19 trước khi sử dụng đại trà. “Chúng tôi rất mong muốn làm thế nào rút ngắn thời gian thử nghiệm lâm sàng để có thể thuốc sớm được đưa vào sử dụng trong điều kiện đặc biệt của đại dịch hiện nay”, ông Hà nói.

Cùng với thuốc điều trị Vipdervir, trước đó, viện Hóa học - viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu thành công phương pháp mới trong việc tổng hợp thuốc Favipiravir trong phòng thí nghiệm.

Favipiravir là thuốc có cơ chế hoạt động tương tự như Remdesivir nhưng được sử dụng ở đường uống và lần đầu tiên được sử dụng chống Sar-Cov-2 ở Vũ Hán. Loại thuốc này cũng được chấp thuận sử dụng ở Ý, Nhật, Nga và một số nước khác.