9 chi tiết tưởng chừng vô dụng nhưng lại cực kỳ hữu ích trên những đồ dùng quen thuộc, bạn sẽ bất ngờ khi biết tới

CTV
Hầu hết trong số chúng ta đều không biết rằng những chi tiết nhỏ tưởng chừng như vô dụng lại có công dụng hay ho thế này.

Vòng tròn trên nắp lon

Các loại nước có ga đều được cố định nắp bằng một chiếc nắp với vòng tròn ở phần đầu. Nếu như từ trước đến nay bạn vẫn nghĩ rằng chiếc vòng tròn này được nhà sản xuất cố tình làm thế để trang trí cho đẹp thì quả thật là một sai lầm.

Nắp chai nước ngọt.

Mục đích của nó là để làm chỗ để cắm cái ống hút nhựa vào. Bởi vì nếu không giữ, các bọt khí ga trong bia, nước ngọt có ga… sẽ không để yên cho chiếc ống hút của bạn, khiến nó nhảy nhót lung tung, thậm chí bắn cả ra ngoài. Nhưng nếu cắm ống hút qua lỗ tròn này, ống hút sẽ được cố định thẳng đứng, giúp giữ ống hút ở vị trí cố định trong suốt quá trình sử dụng lon nước.

"Mũi heo" trên balo

Nhiều chiếc ba lô được thiết kế có một miếng vá hình vuông với 2 khe trên đó. Nó được gọi là "mũi heo" trên balo. Vốn là một phụ kiện mang tính thời trang nên chiếc “mũi heo” này được nhiều người mặc định là một điểm nhấn trang trí dành cho balo, nhưng đó lại là một nhận định không đúng đắn.

Mũi heo trên balo.

Ban đầu, mẩu da hình thoi này được thiết kế để người đi bộ đường dài hoặc người đi xe đạp luồn dây chun hoặc dây thừng qua đó và buộc chặt một số thiết bị: ví dụ như đèn pin (cho người thám hiểm), bình nước (cho người chạy bộ)... Hoặc bạn có thể sử dụng chiếc “mũi heo” này để mang theo một đôi giày thể thao khi đi tập gym hoặc sử dụng trong một trường hợp nào đó: treo mũ, kính....

Lỗ nhỏ trên bồn rửa

Nếu bạn để ý sẽ thấy bồn rửa trong phòng tắm thường có 3 lỗ: Lỗ đặt vòi, lỗ thoát nước và một lỗ nhỏ ở gần miệng bồn. Công dụng của chiếc lỗ đặt vòi, lỗ thoát nước thì đã quá rõ ràng, còn chiếc lỗ nhỏ ở gần miệng bồn thì sao?

Lỗ tròn ở bồn thoát nước.

Bồn rửa được kết nối với ống thoát nước. Nó dẫn nước xuống cống nếu cống của bồn rửa bị đóng. Nhờ lỗ mở này, nước sẽ không tràn ra khỏi bồn rửa và rớt xuống sàn. Ngoài ra, mục đích của chiếc lỗ “chống tràn” nước này còn để cải thiện hệ thống thoát nước. Chiếc lỗ này giúp đưa không khí vào ống thoát nước, nhờ đó nước thoát ra nhanh hơn nhiều so với các loại bồn rửa không có.

Lỗ ren phụ trên giày thể thao

Hầu như tất cả giày thể thao đều có ít nhất 2 chiếc lỗ ren phụ nằm ở bên hông, nhưng rất ít người sử dụng chúng mà chỉ nghĩ rằng đó là thiết kế đặc trưng của các đôi giày. Thực tế, công dụng của chúng “thần thánh” hơn như vậy.

Lỗ tròn trên đôi giày.

Đây chính là những chiếc lỗ để thông gió. Lỗ nhỏ sẽ giúp không khí lưu thông và giúp người dùng không bị bí chân. Hai chiếc lỗ này còn có công dụng khác - giúp cố định dây giày. Cụ thể, khi xỏ dây tới lỗ thứ 3 thì từ bên trong bạn luồn dây qua lỗ phía dưới, sau đó xỏ dây tiếp qua lỗ còn lại vào trong, tiếp tục xỏ dây như bình thường cho đến khi hoàn tất. Việc này giúp giữ chắc chân bạn bên trong giày và ngăn ngừa phồng rộp chân đó.

Lớp băng dính trên tã

Quần lót tã dùng một lần thường được trang bị một loại băng dính đặc biệt (thường nằm ở phía sau, nhưng đôi khi bạn có thể tìm thấy nó ở mặt trước của sản phẩm), dù thực tế nó khá “vô dụng” khi chúng ta gần như chỉ mặc cho các em bé mà không sử dụng đến lớp băng dính này.

Băng dính trên tả.

Về nguyên tắc, lớp băng dính này cho phép bạn gấp gọn một chiếc tã bẩn. Nếu nó ở phía trước, thì tã đã sử dụng phải được cuộn lại bắt đầu từ nửa sau của nó. Còn nếu nằm ở phía sau, bạn hãy làm ngược lại. Sau khi gấp tã, băng dính được sử dụng để giữ mép không cho tã bẩn bung ra và bạn sẽ bỏ chúng vào sọt rác giúp công tác dọn dẹp vệ sinh trở nên đơn giản hơn.

Các lỗ trên que kẹo mút

Phải cho đến khi ăn hết cả cây kẹo mút rồi chúng ta mới thấy được chiếc lỗ nhỏ hình vuông trên que kẹo mút. Nhiều người trong chúng ta có lẽ đã tự hỏi mục đích của chúng là gì khi chúng ta còn nhỏ hay chỉ để cho vui.

Chiếc lỗ vuông ở cây kẹo mút.

Lý do cho những lỗ này là để đảm bảo rằng đầu của kẹo mút được gắn vào que thay vì lỏng dần và rơi ra khỏi que vì nếu không có chiếc lỗ hình vuông này, cả phần trơn của cây kẹo mút sẽ rất dễ trơn trượt. Đây là lý do tại sao một phần nhỏ kẹo luôn nằm ở bên trong các lỗ này khiến chúng ta “tiếc rẻ” vì không thể ăn được chúng.

Túi nhỏ trên quần jean

Túi nhỏ nằm bên trong của túi trước phía bên phải là một phần của thiết kế ban đầu của quần jean. Nhiều chiếc quần có hẳn hai chiếc túi lớn ở phía trước nhưng đều không bỏ đi chiếc túi nhỏ này.

Chiếc túi nhỏ ở quần jeans.

Muốn tìm hiểu nguyên nhân của chúng, cần phải quay về lịch sử hình thành của chiếc quần jeans. Gần 150 năm trước, chiếc quần jean xanh đầu tiên có 2 túi trước và một túi nhỏ để đựng đồng hồ bỏ túi, vốn là phụ kiện phổ biến thời bấy giờ. Sau đó, mọi người bắt đầu sử dụng chiếc túi này để đựng tiền xu, vé, bật lửa và những vật dụng nhỏ khác. Tuy nhiên theo thời gian, những chiếc túi xách ra đời khiến cho việc bỏ các trang thiết bị vào trong túi quần jeans không còn thông dụng, nhưng chính thiết kế đặc trưng này khiến chúng trở thành một phần không thể thiếu của quần jeans.

Những vết lõm nằm ở đáy chai rượu vang

Bạn có thấy đáy các chai rượu vang hay champagne lõm sâu vào bên trong không? Liệu đây có phải là "ý đồ" của nhà sản xuất nhằm “ăn gian” thể tích của chai rượu? Một số ý kiến lại cho rằng vết lõm này được hình thành theo thời gian, vết lõm càng sâu thì chai rượu càng ngon.

Lỗ hõm ở chai rượu vang.

Thật ra, điều này giúp chai rượu không bị chênh vênh và đứng vững hơn. Đáy lõm cho phép chai đứng ổn định hơn khi biên độ dao động mạnh hơn hay khi chai hoàn toàn trống rỗng. Không những thế, phần lõm vào sẽ bù đắp, phân phối đồng đều áp suất bên trong khi trải qua quá trình đóng nút.

Phần gờ nổi ở phím F và J trên bàn phím máy tính

Nếu chịu khó để ý, bạn sẽ thấy hai phím F và J trên bàn phím lại có sự khác biệt với các phím khác khi xuất hiện gờ nổi (một đường thẳng nằm ở phần dưới của phím F và J). Trên cả bàn phím với hàng chục phím khác nhau, chỉ có F và J là hai phím có “đặc quyền” này.

Gờ nổi trên chữ F và J.

Thực tế, những đường lằn trên phím F và J được thiết kế để giúp người dùng đặt đúng ngón tay vào vị trí của phím bấm mà không cần nhìn xuống bàn phím. Với ngón trỏ của hai bàn tay đặt lên hai phím có gờ, tay trái của bạn sẽ phủ được các phím A, S, D và F trong khi tay phải thì phủ được các phím J, K, L và dấu chấm phẩy. Cách đặt các ngón tay này là tối ưu cho việc gõ bàn phím bằng mười ngón.