Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8; vùng biển Trung Bộ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9.
Dự báo diễn biến không khí lạnh trên đất liền: có gió Đông Bắc mạnh cấp 3; vùng ven biển cấp 4, giật cấp 6-7.
Ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An trời tiếp tục rét đậm, vùng núi rét hại; ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế trời rét. Nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng sớm ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An phổ biến từ 8-11 độ, riêng khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 4-7 độ, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ; ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế phổ biến từ 13-16 độ.
Trên biển ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 2,0-4,0m, biển động mạnh; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao 4,0-6,0m, biển động mạnh.
Vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây của khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 4,0-6,0m, biển động mạnh.
Đợt rét đậm, rét hại diện rộng này ở Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa-Nghệ An còn có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 25/12; Trong đợt rét đậm, rét hại này ở khu vực trung du và vùng núi phía Bắc có khả năng xảy ra băng giá và sương muối.
Ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to đến rất to; riêng khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận từ ngày 23/12 đến 24/12 có khả năng xảy ra đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.
Chia sẻ về đợt rét này, TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, không khí lạnh tăng cường từ hôm nay (21/12) khiến miền Bắc rét hại, Bắc Trung Bộ rét đậm trong dịp Giáng Sinh và có thể kéo dài tới hết ngày 31/12. Trong đêm 23/12, rạng sáng 24/12 có thể xuất hiện băng giá trên các đỉnh núi cao phía Bắc. Nhiệt độ ở miền núi phía Bắc có thể giảm xuống dưới 6 độ C, ở khu vực Hà Nội và vùng lân cận có thể giảm xuống dưới 13 độ C vào ban đêm.
Khu vực ven biển miền Trung từ Quảng Trị tới Khánh Hòa có mưa rải rác, có nơi mưa to do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới trong ngày 22 đến ngày 24/12. Ngày 25/12 giảm mưa nhưng sau đó có mưa lại từ ngày 26/12 đến 30/12. Trong giai đoạn này, khu vực Tp.HCM và vùng lân cận có giảm nhiệt chút ít nhưng vẫn duy trì nhiệt độ cao hơn 30 độ C vào ban ngày do không khí lạnh lệch Đông và giảm cường độ trên đường đi vào phía Nam.
Cũng theo Cơ quan khí tượng nhận định mùa đông năm 2023 - 2024, không khí lạnh có khả năng hoạt động yếu hơn trung bình nhiều năm. Rét đậm, rét hại có thể xuất hiện muộn và số ngày rét đậm, rét hại có xu hướng thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo vẫn cần đề phòng các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh đặc biệt trong những tháng chính đông.
Đáng chú ý từ tháng 1-3/2024, số ngày rét đậm, rét hại có khả năng ít hơn so với trung bình nhiều năm và các đợt rét đậm, rét hại có xu hướng không kéo dài. Dự báo từ tháng 3-5/2024, bão/áp thấp nhiệt đới ít có khả năng hoạt động trên khu vực Biển Đông. Trong tháng 3/2024, số ngày rét đậm, rét hại có khả năng ít hơn so với trung bình nhiều năm và các đợt rét đậm, rét hại có xu hướng không kéo dài.
Nắng nóng có khả năng xuất hiện ở khu Tây Bắc Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và một số nơi thuộc Tây Nguyên từ khoảng tháng 3/2024, sau đó có xu hướng mở rộng hơn từ tháng 4/2024. Khu vực phía Đông Bắc Bộ, nắng nóng xuất hiện muộn hơn và tập trung trong tháng 5-6/2024.
Dự báo số ngày nắng nóng năm 2024 có khả năng xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm, đề phòng xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, đặc biệt tại các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ. Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ dự báo các tháng đầu năm 2024 sẽ ít mưa, do vậy nhiều khả năng xảy ra khô hạn kéo dài trong các tháng mùa khô năm 2024.
Trúc Chi (t/h)