Tiêm filler: Cân nhắc cẩn thận và hiểu rõ trước mọi quyết định

Tiêm filler làm đẹp chắc chắn không còn lạ gì với tất cả mọi người. Nhưng để hiểu về filler và những rủi ro tiềm ẩn nó mang đến người tiêu dùng nên biết.

Ngày nay, nhu cầu làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ ngày càng tăng. Chính vì đó rất nhiều cơ sở làm đẹp mọc lên "như nấm". Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu các cơ sở này đủ điều kiện, cơ sở vật chất và chứng chỉ hành nghề để thực hiện nhu cầu làm đẹp cho người dân. Thế nhưng, thời gian qua bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những ca thẩm mỹ lỗi, biến chứng nặng do tiêm filler. Sự việc này đã gióng lên hồi chuống cảnh tỉnh về việc phẫu thuật thẩm mỹ chui đang diễn ra tại các cơ sở. 

tiem-filler-can-nhac-can-than-va-hieu-ro-truoc-moi-quyet-dinh-2-1711677775.jpg
Tiêm filler chui, chất lượng không đảm bảo dẫn đến hàng loạt biến chứng. Ảnh minh họa

Nhiều cơ sở thẩm mỹ để lấy được sự yên tâm và tin tưởng của khách hàng, họ không ngần ngại khi nghĩ ra những cái tên mỹ miều như "Beauty", "Clinic", "Academy",... Không những thế các cơ sở này còn thay đổi địa điểm liên tục, họ có thể hoạt động ở chung cư, mở các cửa hàng nhỏ ở một góc phố nào đó để có thể dễ dàng tránh sự kiểm tra của chính quyền. Vì thế, các nạn nhân của thẩm mỹ chui không biết tìm ai khi mà các cơ sở này hoàn toàn biến mất.

Ngoài chuyên môn và kỹ năng của người tiêm, chất lượng cũng là yếu tố vô cùng quan trọng đến sự an toàn của khách hàng

Hiện nay có rất nhiều loại filler tràn lan trên thị trường, người tiêu dùng cần phải cân nhắc lựa chọn sản phẩm chính hãng. Filler được phép lưu hành phải được phân phối từ các công ty uy tín, được cơ quan thẩm quyền cấp phép. Công ty phải có trụ sở, kho xưởng công khai; sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, quy trình bảo quản theo tiêu chuẩn và giá không hề rẻ.

Các sản phẩm với giá rẻ chỉ bằng một phần mười hoặc không rõ nguồn gốc rất có nguy cơ lẫn tạp chất, bảo quản không đúng quy định nên chất lượng không đảm bảo.

Vì vậy người sử dụng dịch vụ cần tỉnh táo chọn lựa nơi uy tín để tránh tai biến, đảm bảo an toàn trong chăm sóc cho sức khoẻ và sắc đẹp của mình.

Theo quy định, một bác sĩ chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề cho một chuyên ngành. Đặc biệt, phẫu thuật thẩm mỹ là lĩnh vực rất chuyên sâu, mang tính đặc thù và phải đào tạo trung bình từ 11-15 năm; đồng thời, bắt buộc hằng năm phải tham dự giờ giảng để cập nhật kiến thức mới. 

Để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của mình, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin, chỉ nên sử dụng dịch vụ thẩm mỹ khi cơ sở được cấp phép thực hiện kỹ thuật; bác sĩ được đào tạo về chuyên môn, được cấp chứng chỉ hành nghề; thuốc và các phương tiện máy móc được cấp phép lưu hành.

tiem-filler-can-nhac-can-than-va-hieu-ro-truoc-moi-quyet-dinh-1711677355.png
Cần lựa chọn địa điểm làm đẹp uy tín, chất lượng tránh rủi ro. Ảnh minh họa, ảnh: Freepik

Những hậu quả khi tiêm filler không đúng kỹ thuật

- Chất làm đầy (filler, chứa hyaluronic acid dùng vào mục đích làm đầy và tăng thể tích vùng mô) nên khi tiêm vào lòng mạch máu, có nguy cơ làm tắc mạch. Có khi không phải tiêm vào lòng mạch nhưng tiêm quá nhiều khiến mạch máu bị chèn ép cũng dẫn đến biến chứng hoại tử vùng mô được tưới máu bởi mạch máu đó.

- Tắc mạch, chèn ép mạch máu là nguy cơ đáng ngại nhất vì có thể dẫn đến các tai biến không thể cứu vãn được. Ví dụ như mất thị lực, tắc mạch não, hoại tử da... Đa số các tai biến xảy ra gây tử vong hay hoại tử, chủ yếu là do những người không biết làm, làm nghề tay ngang, được đào tạo “siêu tốc” thực hiện.

- Nguy cơ nhiễm trùng: Nó đến từ sự kém vệ sinh trong quy trình tiêm chích, dễ dẫn đến tình trạng lây nhiễm vi trùng, vi nấm nguy hiểm. Nghiên cứu cho thấy, nền tảng kiến thức, sự am hiểu về kỹ thuật tiêm và kinh nghiệm của bác sỹ chính là chìa khoá quan trọng để giúp giảm thiểu các tai biến nghiêm trọng khi tiêm filler.

Xem thêm: Triệt lông bằng laser có gây ra tác dụng phụ khiến bạn phải hối hận không?

Hồ Nga (t/h)