Ukraine kêu gọi trợ giúp, 3 quốc gia châu Âu đồng loạt hưởng ứng

Đan Mạch, Đức và Cộng hòa Séc đã nhanh chóng công bố các gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trong bối cảnh Kiev đang thực hiện chiến dịch ở vùng Kursk của Nga.

Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, một chỉ huy lữ đoàn pháo binh Ukraine ở tiền tuyến Donbass ở phía Đông đất nước gần đây đã tiết lộ với tờ Financial Times rằng việc tái phân bổ các nguồn lực quân sự của Kiev về phía Bắc, đặc biệt là về phía vùng Kursk của Nga, đã tạo điều kiện cho các lực lượng Nga tiến nhanh hơn tại khu vực Donetsk.

Quyết định chiến lược này, mặc dù cần thiết cho một số hoạt động tấn công nhất định, đã tác động đến việc phòng thủ các tuyến đầu của Ukraine. Theo vị chỉ huy này, đơn vị của ông hiện buộc phải tính toán chi li việc sử dụng đạn dược cho súng của họ – một tình huống từng xảy ra trước khi Quốc hội Mỹ phê duyệt nguồn viện trợ quân sự mới cho Kiev sau nhiều tháng trì hoãn.

Lần này, tình trạng thiếu đạn dược xảy ra với Kiev một phần là do việc tái phân bổ nguồn lực cho chiến dịch của họ ở vùng Kursk, khiến các lực lượng Ukraine ở miền Đông không được trang bị đầy đủ để chống lại các cuộc tấn công của Nga.

Có thông tin cho biết ngay cả trước khi chiến dịch Kursk bắt đầu, hệ thống phòng thủ ở khu vực Donetsk đã cho thấy những dấu hiệu yếu kém. Kể từ đó, các lực lượng Nga đã tiếp tục đột phá qua các tuyến phòng thủ của Ukraine, chiếm giữ các làng mạc và thị trấn, đưa Moscow tiến gần hơn đến mục tiêu kiểm soát hoàn toàn Donbass.

Ukraine kêu gọi trợ giúp, 3 quốc gia châu Âu đồng loạt hưởng ứng- Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine di chuyển bằng xe tăng trên đường ở vùng Sumy, giáp với vùng Kursk của Nga, tháng 8/2024. Ảnh: The Guardian

Chiến dịch Kursk, bao gồm việc huy động hơn 10.000 binh lính Ukraine, bao gồm cả quân tinh nhuệ và lữ đoàn cơ giới, đòi hỏi phải tái triển khai lực lượng từ tiền tuyến miền Đông. Cuộc tái triển khai này bao gồm các đơn vị ban đầu dự định tăng cường phòng thủ và hỗ trợ cho quân đội trên mặt trận Donetsk và Kharkiv.

Tình hình mới khiến quân đội còn lại ở các khu vực này không có đủ quân tiếp viện và luân chuyển thường xuyên, làm tăng thêm tình trạng mệt mỏi và giảm hiệu quả của các quân nhân trên chiến trường.

Tổn thất về thiết bị quân sự trong chiến dịch Kursk được cho là cũng rất đáng kể đối với Ukraine, với 51 thiết bị bị phá hủy, bao gồm cả phương tiện do Đức và Mỹ cung cấp. Để so sánh, Nga được cho là đã mất 27 thiết bị quân sự.

Trong diễn biến mới nhất trên thực địa, hôm 21/8, Ukraine cho biết để bảo vệ tiền tuyến trong chiến dịch Kursk, họ đã phá hủy các cầu phao của Nga bằng tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất. Video do lực lượng đặc nhiệm Ukraine đăng tải cho thấy các cuộc tấn công vào một số cầu phao ở khu vực Kursk, nơi Nga báo cáo rằng Ukraine đã phá hủy ít nhất 3 cây cầu cố định bắc qua sông Seym khi đối phương tìm cách củng cố vị trí mới.

Viện trợ bổ sung

Trong bối cảnh này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào cuối ngày 18/8 đã kêu gọi các đồng minh phương Tây đẩy nhanh việc "giao hàng tiếp tế" cho binh lính Ukraine. Ông nói: "Không có ngày lễ nào trong chiến tranh".

Trong ngày 19-20/8, thực sự đã có 3 quốc gia châu Âu công bố các gói viện trợ mới cho Ukraine. Có vẻ như lời kêu gọi trợ giúp của Kiev đã được hưởng ứng.

Cụ thể, hôm 19/8, chính phủ Đan Mạch đã công bố một chương trình viện trợ quân sự mới trị giá 115 triệu USD cho Ukraine. Chương trình này nhằm giải quyết các nhu cầu quốc phòng ngắn hạn và dài hạn của quốc gia Đông Âu. Khoản tiền này sẽ được sử dụng để mua thiết bị quân sự mới từ ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine và các đối tác quốc tế.

Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen tuyên bố rằng Copenhagen đang thực hiện một bước tiến mới với gói viện trợ quân sự thứ 20, bao gồm các thiết bị quân sự rất cần thiết để tạo nên sự khác biệt trong cuộc xung đột.

Cũng hôm 19/8, người phát ngôn của chính phủ Đức Wolfgang Buchner tuyên bố rằng Berlin sẽ cung cấp cho Kiev 4 hệ thống phòng không IRIS-T bổ sung với nhiều tầm bắn khác nhau vào cuối năm nay.

Ngoài các hệ thống IRIS-T, Đức cũng sẽ cung cấp 10 pháo phòng không tự hành Gepard, 16 lựu pháo tự hành, 10 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard, máy bay không người lái (UAV/drone) và hàng nghìn quả đạn pháo và đạn dược xe tăng.

Ông Buchner cũng đề cập rằng vào năm 2025, Đức sẽ cung cấp 20 lựu pháo tự hành, 20 xe chiến đấu bộ binh Marder, 37 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard, 5 pháo phòng không tự hành Gepard, 6 hệ thống IRIS-T bổ sung và hàng nghìn quả đạn pháo và đạn dược bổ sung.

Một ngày sau, hôm 20/8, Bộ trưởng Quốc phòng Séc Jana Černochová tuyên bố rằng Cộng hòa Séc sẽ sử dụng một phần doanh thu từ các tài sản của Nga bị đóng băng tại EU để mua đạn dược cỡ lớn cho Kiev.

Lợi nhuận phát sinh

Các nước châu Âu đang nắm giữ khoảng 2/3 trong số 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga bị đóng băng kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine 30 tháng trước.

Mặc dù còn do dự trong việc tịch thu hoàn toàn các tài sản, EU đã xây dựng một kế hoạch sử dụng lợi nhuận phát sinh từ khối tài sản này để tài trợ cho nhu cầu tái thiết và quốc phòng của Ukraine.

Ukraine kêu gọi trợ giúp, 3 quốc gia châu Âu đồng loạt hưởng ứng- Ảnh 3.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa về phía quân đội Nga ở tiền tuyến, gần thị trấn Chasiv Yar, vùng Donetsk, ngày 17/8/2024. Ảnh: Al Arabiya

Hồi tháng 6, các chính phủ EU đã nhất trí sẽ sử dụng 1,5 tỷ USD lợi nhuận thu được từ các tài sản để mua vũ khí và chi trả cho các loại hỗ trợ khác cho Ukraine. Bộ Quốc phòng Séc hôm 20/8 cho biết một phần số tiền đó sẽ được sử dụng cho nỗ lực mà họ đang dẫn đầu là mua đạn pháo cho Ukraine từ khắp nơi trên toàn thế giới, được tài trợ bởi các đối tác phương Tây.

"Nhờ số tiền thu được từ các khoản tài chính bị đóng băng của Nga, do Liên minh châu Âu (EU) giải ngân, chúng tôi sẽ có thể cung cấp hàng trăm nghìn viên đạn cỡ lớn cho Ukraine", Bộ trưởng Černochová nói.

Bộ Quốc phòng Séc không cung cấp thêm thông tin chi tiết, nhưng cho biết việc giao hàng sẽ được thực hiện "trong những tháng tới", và do đó sẽ sớm có tác động đến cục diện chiến trường.

Tháng trước, Ngoại trưởng Séc Jan Lipavsky cho biết quốc gia Trung Âu và là đồng minh "cứng" của Ukraine sẽ dẫn đầu sáng kiến cung cấp khoảng 100.000 viên đạn cho Kiev trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8, với hoạt động giao hàng dự kiến sẽ tăng tốc vào tháng 9 và sau đó.

Chưa có phản ứng ngay lập tức nào từ Moscow đối với thông báo mới nhất của Cộng hòa Séc về sử dụng lợi nhuận từ tài sản của Nga để mua vũ khí cho Ukraine.

Nhưng hồi tháng 7, Điện Kremlin đã chỉ trích kế hoạch sử dụng tiền lãi kiếm được từ các tài sản bị đóng băng của Nga để tài trợ cho viện trợ quân sự cho Ukraine, và cho biết sẽ có hành động pháp lý đối với bất kỳ ai liên quan đến quyết định này.

 

Minh Đức (Theo Army Recognition, Washington Examiner, SwissInfo, The Guardian)